Tập huấn công tác phòng cháy chữa cháy cho học sinh sinh viên nhà trường
Ngày 25/9/2023, trường Cao đẳng Kinh tế
- Kỹ thuật Hòa Bình phối hợp với Ban chỉ đạo Phòng cháy chữa cháy phường Dân Chủ
tổ chức Hội nghị tập huấn công tác phòng cháy, chữa cháy cho HSSV nhà trường. Đến
dự chỉ đạo Hội nghị có Nhà giáo Nguyễn Yến Ngọc- Phó hiệu trưởng nhà trường, cán
bộ viên chức thuộc Ban Quản lý Ký túc xá, thường trực bảo vệ và toàn thể HSSV
trong Ký túc xá của Nhà trường tham gia Hội nghị.
Đồng chí Hà Công Hùng, Phó Trưởng Ban Quản
lý KTX khai mạc Hội nghị
Công tác phòng cháy chữa
cháy (PCCC) và cứu nạn cứu hộ (CNCH) có vai trò vô cùng quan trọng trong đời
sống, bởi cháy nổ rất dễ xảy ra và nếu không có những biện pháp xử lí kịp thời
thì sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng thiệt hại về người và tài sản. Trường học
là nơi thường xuyên tập trung đông người vì thế công tác tuyên truyền phổ biến
kiến thức pháp luật PCCC và CNCH tới toàn thể CBVC và các em học sinh sinh viên
là hết sức cần thiết nhằm nâng cao nhận thức và kỹ năng chủ động, ứng phó kịp
thời với các tình huống cháy nổ có thể xảy ra.
Nguy cơ gây cháy trường học có rất nhiều nguyên nhân
như do cháy lan từ nơi khác đến, do vi phạm quy định về PCCC; do sơ xuất bất
cẩn trong sử dụng nguồn lửa, nguồn điện, nguồn nhiệt trong nhà trường. Do vậy,
việc tổ chức công tác PCCC, đảm bảo an toàn PCCC cho người và tài sản tránh mọi
khả năng gây ra cháy là một vấn đề rất cần thiết.
Các đồng chí trong Ban chỉ đạo Phòng
cháy chữa cháy phường Dân Chủ đang hướng dẫn HSSV các biện pháp phòng cháy,
chữa cháy trong trường học
Tại buổi sinh hoạt, CBVC và các em
học sinh sinh viên đã được nghe cán bộ tuyên truyền cung cấp thông tin tình hình
cháy nổ của cả nước nói chung cũng như trên địa bàn tỉnh Hòa Bình nói riêng,
đặc biệt là những thiệt hại to lớn về người và tài sản do cháy, nổ gây ra; cùng
một số nguyên nhân dẫn đến cháy, nổ như: bất cẩn trong việc sử dụng lửa và ý
thức chủ quan trong việc sử dụng điện sinh hoạt. Đồng thời, tuyên truyền viên
cũng giới thiệu những văn bản pháp luật về công tác PCCC; (hướng dẫn cách sử
dụng các loại bình chữa cháy xách tay, cách thoát hiểm khi có cháy xảy ra trong
trường học, gia đình, các tư thế cầm lăng chữa cháy, cách vận hành hệ thống
chữa cháy vách tường…) biện pháp đề phòng, hướng dẫn công tác tự kiểm tra an
toàn PCCC tránh sự cố cháy xảy ra trong nhà trường và trong sinh hoạt gia đình.
Một số biện
pháp phòng cháy trong trường học
- Thực hiện đầy đủ thẩm duyệt thiết kế PCCC, kiểm tra trong quá trình
thi công tác hạng mục PCCC, nghiệm thu, đến quá trình sử dụng.
- Trang bị đầy đủ các phương tiện chữa cháy ban đầu như: bình khí CO2,
bình bột chữa cháy để đảm bảo về chất lượng và số lượng, luôn trong trạng thái
sẵn sàng chiến đấu.
- Trường học phải có nội quy PCCC, phương án chữa cháy, phương án thoát
nạn cho trẻ em và học sinh sinh viên khi có cháy xảy ra. Phương án phải được tổ
chức học tập, diễn tập, tổ chức rút kinh nghiệm. Hàng năm khi có sự thay đổi,
hoăc sau mỗi lần thay đổi phải được bổ xung ngay vào phương án cho phù hợp.
- Khu nhà nhiều tầng nên có bảng chỉ dẫn trên đường thoát nạn trên lối
và đường thoát nạn. Cấm sử dụng điện tùy tiện. Các em học sinh sinh viên không
được nghịch lửa, diêm, các thiết bị sinh lửa, sinh nhiệt trong trường.
- Yêu cầu đối tượng sử dụng phải kiểm tra ngắt hết điện trước khi đóng
cửa. Lực lượng bảo vệ nhà trường có trách nhiệm kiểm tra lại.
- Tại các phòng máy tính phải có nội quy quy định việc sử dụng máy tính
trong học tập, nghiên cứu.
- Có chế độ kiểm tra định kỳ phát hiện những khuyết tật có thể dẫn đến
sự cố phát sinh nguồn nhiệt gây cháy của hệ thống thiết bị máy tính và hệ thống
thiết bị điện. Khi lắp đặt thêm các thiết bị điện như máy tính phải tính toán
đến khả năng chịu tải của dây dẫn. Cần trang bị các loại bình khí CO2 và bột chữa
cháy.
- Tại mỗi phòng máy tính phải có quy định an toàn PCCC. Khi có cháy xảy
ra phải chủ động thực hiện nhiệm vụ chữa cháy. Triển khai toàn bộ lực lượng,
phương tiện chữa cháy hiện có để chủ động khống chế dập tắt đám cháy.
Các biện pháp chữa cháy trong trường học
Khi chữa cháy cần chú
ý: Đảm bảo an toàn cho người tham gia chữa cháy; ngắt điện khu vực xảy ra
cháy; sử dụng các phương tiện chữa cháy, bảo hộ hiện có tại cơ sở; đặc biệt là
hệ thống chữa cháy được lắp đặt tại cơ sở; thông báo cho mọi người biết có cháy
xảy ra. Báo cháy 114; người được giao nhiệm vụ ngăn chặn cháy lan và thoát khói
sẽ sử dụng những thiết bị cần thiết (thiết bị thở trong môi trường đám cháy,
búa, rìu phá dỡ…) và chọn những vị trí hợp lý trên cơ sở hướng gió để phá dỡ
cấu kiện xây dựng nhằm thoát khói. Sử dụng tia nước đặc từ các lăng chữa cháy
để ngăn chặn sự lan truyền của đám cháy, kết hợp phun mưa để làm mát; khi tham
gia chữa cháy cần phải chú ý không gây cản trở đến quá trình thoát nạn. Việc
triển khai các đội hình chữa cháy có thể được thực hiện qua các cầu thang bộ hở
hoặc triển khai ngoài nhà qua ban công.
Các biện pháp kỹ thuật an
toàn: Hướng dẫn mọi người thoát nạn an toàn. Cần lưu ý hướng dẫn mọi người
di chuyển từ tầng trên xuống dưới, tập kết mọi người thành khối cán bộ, giáo
viên, lớp học. Trong trường hợp khẩn cấp không thoát được theo cầu thang thì
hướng dẫn thoát ra các lối ra ban công, ra mái và thông báo mọi người biết để
ứng cứu; thực hiện công tác cứu người bị nạn như cấp cứu người bị nạn; lực
lượng PCCC cơ sở phải tổ chức triển khai phương tiện chữa cháy đã được trang
bị; sử dụng bình chữa cháy để dập cháy. Bình chữa cháy được phân bố rải rác
trên khắp diện tích trường học. Khi phát hiện có cháy xảy ra, cán bộ, giáo viên
đều phải chủ động lấy bình dập tắt đám cháy; sử dụng nước để chữa cháy. Triển
khai các họng nước chữa cháy (nếu có) tấn công dập tắt ngọn lửa, ngăn chặn cháy
lan. Lưy ý, chỉ triển khai nước chữa cháy khi đảm bảo rằng hệ thống điện đã
được ngắt và trong trường hợp phòng máy tính, thư viện không còn phương tiện
bình chữa cháy để dập cháy; dùng chăn chữa cháy để dập cháy phủ kín toàn bộ
diện tích đám cháy và miết kín xung quanh.
Một số khuyến cáo của Bộ công an để thoát ra khỏi đám cháy, đồng thời, hạn chế thiệt hại đến mức tối đa.
1. Tìm cách dập lửa, báo cháy và thoát nạn: Cần
bình tĩnh tìm ngọn lửa và khói. Nếu đám cháy nhỏ cần tìm cách chữa cháy bằng nước,
bình chữa cháy, cát, chăn ướt. Nếu cháy quá lớn không thể dập lửa phải nhanh
chóng tìm cách thoát hiểm, hô hoán cho mọi người biết cùng thoát hiểm và gọi điện
thoại lập tức đến số điện thoại 114.
2. Nhanh chóng xác định lối thoát hiểm hoặc
trú ẩn an toàn Trước hết phải xác định được lối ra an toàn khỏi căn nhà đang
cháy. Thông thường, các lối thoát đến nơi an toàn ở các nhà độc lập hoặc liền kề
bao gồm: Lối ra cửa chính của căn nhà; lối ra cầu thang thoát nạn ngoài nhà từ
các tầng; lối ra ban công; lối lên trên sân thượng hoặc lối lên mái (tầng thượng)
để thoát sang công trình liền kề. Đối với các căn hộ độc lập thì lối thoát nạn
an toàn là qua các cửa sổ, ban công khi có các thiết bị hỗ trợ như: thang,
thang cây, dây tự cứu hạ chậm… Không cố mang theo những đồ có giá trị hay tìm vật
nuôi trong nhà, không cố tìm hiểu nguyên nhân đám cháy. Ngắt cầu dao điện nơi xảy
ra đám cháy bởi điện gây cháy nổ sẽ dẫn đến đám cháy bùng phát nhanh hơn. Khi lửa
và khói đã chặn mất lối thoát nạn chính: Nếu ở tầng thấp thì có thể thoát ra
ngoài qua đường cửa sổ hoặc ban công. Nếu không thể ra ngoài, hãy tập hợp mọi
người vào một phòng, ngăn khói và lửa vào qua cửa bằng cách chặn các khe hở
quanh cửa với khăn trải giường, chăn, quần áo ướt hoặc băng dính. Kêu cứu từ cửa
sổ. Khi ra ngoài, chỉ mở cửa bạn cần; đóng tất cả các cánh cửa đang mở để ngăn
đám cháy lan nhanh. Tuyệt đối không sử dụng thang máy khi xảy ra hoả hoạn. Đặt
mu bàn tay lên cánh cửa, nếu thấy ấm thì không mở, không dùng lòng bàn tay để
tránh bị bỏng. Nếu tay nắm cửa mát và không thấy khói quanh cửa, bạn có thể mở
cửa chậm và cẩn thận tránh người, mặt sang một bên đề phòng lửa tạt. Khi mở cửa,
nếu thấy lửa bùng lên hay có khói xông vào phòng thì đóng cửa thật nhanh, chặt.
Tuyệt đối không nấp dưới gầm giường hoặc phòng, tủ để đồ vì sẽ rất khó khăn để
lính cứu hoả tìm ra bạn.
3. Hạn chế tối đa tiếp xúc với lửa hoặc khí độc
Trong quá trình di chuyển cần bình tĩnh và thực hiện các biện pháp để tránh hít
phải khói, khí độc bằng cách lấy khăn, áo thấm ướt bịt vào mũi, miệng. Khi di
chuyển tránh chạm vào các đồ đạc có thể dẫn nhiệt gây bỏng. Tuyệt đối không
xông qua đám cháy. Luôn giữ cơ thể ở vị trí thấp để tìm đường thoát hiểm, phòng
bị nhiễm khói. Nếu quần áo của bạn bị cháy, đừng chạy, hãy dừng lại và lăn người
vòng quanh để dập lửa.
4. Các nhà, công
trình có lồng sắt: Cần trang bị búa, rìu,, kìm cộng lực. Đối với các nhà, công
trình có lồng sắt bảo vệ phía ngoài, có thể thoát qua ô cửa trên các lồng sắt
đó sang các công trình liền kề. Nếu không có sẵn các cửa thoát hiểm hãy bình
tĩnh tìm kiếm các vật dụng như búa, rìu, hoặc các vật dụng khác nhằm bẻ gãy hoặc
mở rộng các ô trên lồng sắt để mọi người có thể di chuyển tới nơi an toàn với sự
hỗ trợ của những người xung quanh.
Qua buổi tuyên truyền giúp CBCNV, thầy cô giáo và các em học
sinh trong nhà trường có những hiểu biết sâu sắc hơn về công tác phòng cháy, chữa
cháy nâng cao ý thức trách nhiệm của mỗi cá nhân đối với hoạt động phòng cháy,
chữa cháy nhằm bảo vệ tính mạng, tài sản của mình, của người thân trong gia
đình. Đồng thời góp phần cùng nhà trường đẩy mạnh công tác tuyên truyền nêu cao
ý thức xây dựng và bảo vệ môi trường, đảm bảo an ninh, trật tự an toàn phòng
cháy, chữa cháy trong và ngoài nhà trường./.
Quách
Đoan
MỘT SỐ HÌNH ẢNH BUỔI TẬP HUẤN